Lịch sử phát triển

admin - Thứ Tư, 09/03/2022 - 08:51

CỤC QUẢN LÝ XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ,

10 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 26 tháng 3 năm 2010, Cục Quản lý xây dựng đường bộ được thành lập trên cơ sở từ bốn Phòng phụ trách về xây dựng cơ bản của Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Mười năm không ngừng phấn đấu, nỗ lực, kiên trì đi trên con đường phát triển, các thế hệ cán bộ công chức đã xây dựng nên một Cục Quản lý xây dựng đường bộ ngày nay với đội ngũ cán bộ tâm huyết, có tính chuyên nghiệp (năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, trách nhiệm cao với công việc) và yêu nghề.

Từ đó, tạo ra dấu ấn của sự nỗ lực trên hầu hết các công trình. Dấu chân của các cán bộ công chức của Cục đã in trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng Tây Bắc hiểm trở, về vùng Đông Bắc trùng điệp núi đồi, các miền đồng bằng châu thổ trù phú xanh tươi, đến đại ngàn Tây nguyên, và Tây nam bộ chằng chịt sông rạch nơi cư dân Việt Nam xưa dừng lại trước ba bề giáp biển mênh mông (biển đông, biển tây và phía nam Thái Bình Dương)…

I. TIỀN THÂN CỤC QUẢN LÝ XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ.

Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về Quản lý đầu tư xây dựng công trình. Nghị định quy định Chủ đầu tư công trình là chủ sử dụng công trình. Do vậy, hầu hết các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải được chuyển về Cục Đường bộ Việt Nam – cơ quan quản lý nhà nước về hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, trước đây Cục Đường bộ Việt Nam chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo trì và cần được tăng cường năng lực để đảm nhận nhiệm vụ mới trong quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Tháng 2 năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải điều động Ông Vũ Bảy - Phó Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông của Bộ về nhận nhiệm vụ Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

Thời điểm đó, Cục trưởng là Ông Mai Văn Đức.

Các Phó Cục trưởng gồm:

  • Ông Ngô Quang Đảo;
  • Ông Nguyễn Anh Tuấn;
  • Ông Nguyễn Văn Quyền;
  • Ông Lê Vạn Thắng;
  • Ông Nguyễn Văn Thanh.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; ngày 06/4/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng ký Quyết định số 748/QĐ-BGTVT thành lập, tổ chức lại một số bộ phận giúp việc Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam trong lĩnh dự án xây dựng cơ bản (tiền thân Cục Quản lý xây dựng đường bộ) gồm:

- Phòng Đấu thầu; Trưởng phòng: Ông Nguyễn Duy Lâm.

- Phòng Thẩm định - Giá và thể chế; Trưởng phòng: Ông Nguyễn Năng Thể.

Riêng 2 phòng được Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam thành lập trên cơ sở sắp xếp lại khối xây dựng cơ bản sẵn có của Cục Đường bộ Việt Nam:

- Phòng Quản lý dự án trong nước; Trưởng phòng: Ông Mai Anh Tuấn.

  • Phòng Quản lý dự án nước ngoài; Trưởng phòng: Ông Vũ Anh Tuấn.

Ông Vũ Bảy – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam được giao phụ trách công tác xây dựng cơ bản.

Để tăng cường cán bộ cho 4 phòng, ngày 16/5/2007, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức ký Quyết định số 1432/QĐ-BGTVT điều động cán bộ, công chức đang làm việc tại Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông về làm việc tại Cục Đường bộ Việt Nam, gồm:

  • Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng và giám định thực hiện dự án và Bà Nguyễn Thị Nhâm ở vị trí Chuyên viên;
  • Ông Vũ Hải Tùng, Phó Trưởng phòng thẩm định kỹ thuật - Dự toán 2;
  • Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Trưởng phòng thẩm định kỹ thuật - Dự toán 1 và Ông Nguyễn Anh Tuấn (A), Chuyên viên.
  • Ông Lê Hồng Điệp, Phó Trưởng phòng Giá - Thể chế - Đấu thầu;
  • Ông Nguyễn Phương Nam, Ông Trần Văn Chinh, Chuyên viên Phòng Giám định thực hiện dự án;
  • Bà Lê Thị Thu Hà, Bà Lê Thị Kim Hoa, Chuyên viên Phòng Giá - Thể chế - Đấu thầu;

Riêng Ông Nguyễn Công Chiến, Nguyễn Tuấn Anh (B), được Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, do lúc đó chưa vào công chức Nhà nước.

Trước thời điểm được giao quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (trước năm 2007), Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về đường bộ (bảo trì, sửa chữa thường xuyên, phòng chống lụt bão) và được giao quản lý các dự án đầu tư xây dựng giao thông đường bộ Nhóm C.

Năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam được giao quản lý các dự án nhóm B trở xuống.

Năm 2008, bốn (04) Ban quản lý dự án được Bộ Giao thông Vận tải chuyển về trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam gồm: Ban Quản lý dự án Biển Đông, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 5 và Ban Quản lý dự án 7.

Theo số liệu thống kê đến năm 2009, Cục Đường bộ Việt Nam được giao làm chủ đầu tư 40 dự án, giải ngân đạt 4.206 tỷ đồng (tương đương 263 triệu USD).

Chính phủ quan tâm tăng cường đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh hình thức đầu tư B.O.T (viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, có nghĩa: Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) trong nước. Cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ Đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án BOT về kết cấu hạ tầng đường bộ, gồm 87 dự án, trải dài trong cả nước như: Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn đường tránh thành phố Vĩnh Yên. Các Dự án BOT Quốc lộ 1A: đường tránh Thành phố Thanh Hoá, Thành phố Hà Tĩnh, Thành phố Đồng Hới; Thành phố Đông Hà; Hoà Cầm – Vĩnh Điện. Dự án BOT cải tạo mở rộng Quốc lộ 51, cầu Đồng Nai mới, Quốc lộ 10 đoạn Tân Đệ - La Uyên….

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO SỰ RA ĐỜI CỤC QUẢN LÝ XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ.

Ngày 26 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 107/2009/QĐ-TTg về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Quyết định: Nâng Cục đường bộ Việt Nam lên cấp Tổng cục. Đây là quyết định thành lập Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trong quyết định này quy định: Cục Quản lý xây dựng đường bộ trong cơ cấu tổ chức (tại Điều 3, Mục l).

Ngày 26/3/2010, thành lập Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý xây dựng đường bộ trực thuộc Tổng cục trên cơ sở sát nhập 4 phòng chức năng phụ trách về xây dựng cơ bản nêu trên.

Ngày 21 tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Quyết định này thay thế Quyết định số 107/2009/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

III. MƯỜI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

1. Giai đoạn 2010 – 2014: Thành lập, vận hành và củng cố tổ chức

Đây là giai đoạn Cục Quản lý xây dựng đường bộ thực hiện quản lý với khối lượng lớn các dự án xây dựng cơ bản, các dự án BOT, đội ngũ cán bộ vừa vận hành, vừa kiện toàn tổ chức, lãnh đạo Cục có nhiều thay đổi để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn mới thành lập, về cơ cấu tổ chức gồm có:

Lãnh đạo Cục: Cục trưởng và 2 Phó Cục trưởng.

Cục trưởng: ông Lưu Văn Dũng.

Phó Cục trưởng: ông Nguyễn Duy Lâm, làm việc đến tháng 4 năm 2011.

Phó Cục trưởng: ông Triệu Khắc Dũng, làm việc đến tháng 3 năm 2014.

Tháng 5 năm 2010, bổ sung thêm Phó Cục trưởng: ông Quản Văn Quý làm việc đến tháng 8 năm 2010.

Tháng 10 năm 2010, bổ sung thêm Phó Cục trưởng: ông Lê Thanh Chương làm việc đến tháng 12 năm 2010.

Tháng 5 năm 2011, bổ nhiệm Phó Cục trưởng: ông Vũ Hải Tùng.

Tháng 5 năm 2012, bổ nhiệm thêm Phó Cục trưởng: ông Nguyễn Thế Minh.

Cùng thời gian bổ sung thêm Phó Cục trưởng: Bà Đàm Thị Sinh làm việc đến năm tháng 7 năm 2017.

Tháng 12 năm 2013, Cục trưởng: ông Lưu Văn Dũng nghỉ hưu.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, ông Nguyễn Duy Lâm được bổ nhiệm Cục trưởng.

Tháng 4 năm 2014, bổ nhiệm Phó cục trưởng ông Nguyễn Tuấn Anh làm việc đến tháng 02 năm 2019.

Các phòng chức năng giai đoạn này tổ chức theo các bước triển khai dự án. Cụ thể như sau:

- Phòng Tổng hợp (đến tháng 8/2010 đổi tên thành Văn phòng); Trưởng phòng: Ông Trần Minh Dung.

- Phòng Giá và Thể chế; Trưởng phòng: Ông Lê Hồng Điệp.

- Phòng Đấu thầu; Trưởng phòng: Bà Đàm Thị Sinh.

- Phòng Thẩm định 1; Trưởng phòng: Ông Vũ Hải Tùng.

- Phòng Thẩm định 2; Trưởng phòng: Ông Nguyễn Thế Minh.

- Phòng Giám định 1; Trưởng phòng: Ông Vũ Anh Tuấn.

- Phòng Giám định 2; Trưởng phòng: Ông Nguyễn Phương Nam (Ông Ngô Văn  Bình chỉ đảm nhận chức vụ Trưởng phòng trong tháng 3 năm 2010).

Cục Quản lý xây dựng đường bộ Đường bộ mới thành lập, đây là giai đoạn khó khăn trong việc thử nghiệm để tìm ra cơ cấu tổ chức phù hợp, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ. Trụ sở Cục thời điểm đó thuê căn nhà 2 tầng cũ ở 106 Thái Thịnh, phía sau Cục Đường bộ Việt Nam. Nhiều phòng tự trang bị máy điều hoà, máy vi tính... Cán bộ ở nhiều cơ quan chuyển về, phải thiết lập sự gắn kết giữa các đồng nghiệp với nhau.

Mới thành lập, việc khó khăn đầu tiên là sửa chữa đảm bảo giao thông cầu Thăng Long. Tháng 12 năm 2009, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Cục đường bộ Việt Nam là chủ đầu tư. Năm 2010 phát sinh hư hỏng trên mặt cầu. Do công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long khó khăn, phức tạp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Quyết định số 1418/QĐ-TCĐBVN ngày 11/8/2010 thành lập Nhóm công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long, trong đó giao Cục Quản lý xây dựng đường bộ chủ trì sửa chữa.

Xác định việc đảm bảo an toàn giao thông trên cầu Thăng Long là vô cùng quan trọng (do lúc này chưa có cầu Nhật Tân, mọi phương tiện đi phía Bắc và sân bay quốc tế Nội Bài đều qua đây). Công tác sửa chữa chỉ được thực hiện vào ban đêm trong điều kiện đảm bảo giao thông thông suốt. Biện pháp sửa chữa áp dụng các công nghệ mới, kỹ thuật và sử dụng vật liệu mới, trong điều kiện khẩn trương. Với trách nhiệm cao, Cục trưởng Lưu Văn Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác sửa chữa, thường xuyên tham gia, chỉ đạo công tác sửa chữa tại hiện trường. Các đợt sửa chữa chính: tháng 3 năm 2010; tháng 5 năm 2010; tháng 6 năm 2010; tháng 8 năm 2010; tháng 9 năm 2010 (phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long); tháng 01 năm 2011 (phục vụ Tết Nguyên Đán Tân Mão).

Công việc bắt đầu lúc xe qua cầu ít, khoảng 21 giờ trở đi. Xe và phương tiện qua lại, ánh đèn pha, tiếng ồn, bụi bặm… Dùng máy cào bóc những vị trí hư hỏng, vệ sinh sạch, tưới nhựa dính bám và thảm lại bằng bê tông nhựa nóng chở từ trạm trộn đặt tại Vĩnh Phúc về công trường. 

Nhiều đêm, lúc bầu trời đầy sao kể cả các đêm gió heo may giá buốt, Cục trưởng Lưu Văn Dũng ở trên mặt cầu suốt đêm để vừa kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo và động viên cán bộ công nhân viên; cùng tháo gỡ khó khăn bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Có đêm dây chuyền trục trặc phần cung cấp bê tông nhựa nóng trong khi việc cào bóc vệ sinh đã xong. Cục trưởng Lưu Văn Dũng và Phó Tổng Cục trưởng Mai Văn Đức có mặt trên cầu bàn cách tháo gỡ vướng mắc để làm xong bằng được phần sửa chữa trong đêm.

Lúc hừng đông, sau khi thảm xong phần mặt đường hư hỏng, công việc kết thúc do đó phải tính toán chính xác để không ảnh hưởng lưu thông xe cộ khi ngày mới bắt đầu.

Đợt tháng 5 đến tháng 6 năm 2011 mới cơ bản đảm bảo yêu cầu.

2. Giai đoạn dừng, giãn tiến độ các dự án vốn trong nước đang triển khai.

Đây là giai đoạn vô cùng vất vả của Cục Quản lý xây dựng đường bộ với nhiều dự án trải dài, công tác quản lý tiến độ và chất lượng trở nên khó khăn, rất nhiều dự án đình hoãn phải đảm bảo giao thông, nên cán bộ công chức của Cục đã phải nằm tại hiện trường để đôn đốc tiến độ, quản lý chất lượng.

Cán bộ các Phòng nỗ lực, xoay xở bằng mọi cách để có thể làm việc với rất nhiều dự án lớn có hầu khắp trên cả nước. Chỉ riêng trong năm 2011, Cục Quản lý xây dựng đường bộ quản lý, theo dõi 106 dự án, giải ngân 3.456 tỷ đồng (tương đương 167 triệu USD).

Thời gian này, để đáp ứng nhu cầu công việc, cán bộ công chức, viên chức Cục là nhiều nhất, tổng số 56 người. Tính bình quân đầu người, mỗi người quản lý trung bình 2 dự án, giải ngân 62 tỷ đồng.

Từ tháng 9 năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II bắt đầu lan rộng, đến năm 2009, 2010 đã ảnh hưởng tới nền kinh Việt Nam. Đứng trước tình hình giá cả tăng cao, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 24 tháng 2 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ Giao thông Vận tải có Công điện số 12 về tạm dừng, giãn tiến độ thi công các dự án. Cục đã chủ động, báo cáo Bộ phối tiến hành rà soát các dự án cần thiết, để có quyết định chỉ triển khai những dự án cấp bách nhất.

Các dự án vốn trái phiếu chính phủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thực hiện đầu tư xây dựng đa phần đều tạm dừng, giãn tiến độ (16/22 dự án thiếu vốn tạm dừng giãn tiến độ), kinh phí bố trí cho công tác đảm bảo giao thông thiếu không chỉ gây khó khăn mà còn ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Trước chủ trương này, Cục Quản lý xây dựng đường bộ động viên toàn thể cán bộ công nhân viên chủ động sáng tạo tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn khó khăn và được tập thể thống nhất cao, một lòng quyết tâm thực hiện.

Cục Quản lý xây dựng đường bộ đã tham mưu nhiều văn bản để Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo quyết liệt, các công trình có vốn đang thi công, tiến độ đã được đẩy nhanh như: Dự án tăng cường an toàn giao thông trên các Quốc lộ  ở phía Bắc Việt Nam vốn vay JICA; Dự án Quốc lộ 53 đoạn Km67 - Km114; Dự án Quốc lộ 49A Thừa Thiên – Huế; Dự án khôi phục các cầu trên Quốc lộ 1 giai đoạn III (đoạn Cần Thơ - Cà Mau), Dự án WB4 (vay vốn của Ngân hàng Thế giới): Quốc lộ 39, Quốc lộ 18 đoạn Cửa Ông – Mông Dương… Công tác chuẩn bị triển khai xây dựng công trình được chủ động do làm tốt các khâu trước đó (thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu…). Công tác giải quyết hồ sơ thủ tục được quan tâm chỉ đạo để rút ngắn thời gian. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phân cấp ủy quyền cho các Ban Quản lý dự án để thực hiện một số khâu, nhằm rút ngắn thủ tục.

Trong thời điểm nhiều công trình xây dựng giao thông do Tổng cục đường bộ làm Chủ đầu tư bị dừng, giãn tiến độ. Thực tế công trường ngổn ngang, nhà thầu rút ra khỏi các công trình bị đình hoãn … Cục trưởng Lưu Văn Dũng cùng cán bộ công chức Cục vất vả, tìm mọi cách bảo đảm giao thông an toàn và thuận tiện….

Để đảm bảo giao thông trong tình trạng quá khó khăn về vốn; trong giai đoạn này, có những dự án, Cục trưởng Lưu Văn Dũng báo cáo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải vay vốn địa phương như Quốc lộ 27 vay vốn Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Có nhiều dự án báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn tạm thời như Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc – Tịnh Biên, các dự án đình hoãn trong khi mới triển khai, công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến là vô cùng khó khăn, có thể kể đến như Quốc lộ 31 đoạn Hữu Sản – Bản Chắt, Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa – Pò Mã, Quốc lộ 7 đoạn Đô Lương – Khe Thơi, QL8 đoạn Hồng Lĩnh – Phố Châu….